CẢI TỔ NGÀNH HÀNG KHÔNG VIỆT NAM: THỜI KỲ TỪ NĂM 1990 – 1997

MỘT CHÚT CHIA SẺ VỀ ĐỘNG LỰC CỦA BẢN THÂN TÔI KHI ĐÓKhi bắt đầu “lên cơn” để nhớ lại và viết về cải tổ ngành hàng không những năm 1990, tôi cứ tưởng là “ngon ăn” lắm. Đúng là viết về những lĩnh vực mà bản thân tôi biết rõ, trực tiếp tham gia vào quá trình cải tổ, thì không khó – nhờ cái trí nhớ của tôi cũng thuộc loại kha khá. Bởi vậy, với các lĩnh vực thuộc về thương mại và dịch vụ như: Phục vụ mặt đất, Phục vụ hàng hóa, Phòng vé, Đoàn Tiếp viên, tôi thấy dễ ợt – nên viết theo kiểu “lên đồng”, chỉ quãng một tiếng là xong một bài. Với các mảng này, còn rất nhiều điều để viết, chưa hết được, đặc biệt là về Đoàn Tiếp viên và phần thương mại, dịch vụ của Tổng Công ty. Nhưng chỉ tập trung vào vài mảng trong khi sự cải tổ diễn ra ở mọi mặt trận – thì tự cảm thấy áy náy. Trong hai tuần qua, tôi nhận được rất nhiều chia sẻ của những người đã và hiện còn đang làm việc trong ngành hàng không. Mọi người cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin, cũng như các “sự kiện” cực kỳ quý giá, mong tôi có đủ tư liệu để dựng lại được bức tranh của từng mảng một cách chân thực nhất. Ai cũng muốn rằng: Lịch Sử phải được ghi lại một cách TRUNG THỰC. Bản thân tôi – mấy tuần qua, cũng xảy ra hiện tượng “xoay như chong chóng” để tự vấn mình: 1. Điều gì xảy ra với tôi khi đó, là động lực đẩy tôi lao vào những việc thật ra KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH? 2. Một số com. của các em khối kỹ thuật cũng gợi cho tôi sự băn khoăn rất lớn: TẠI SAO lúc đó tôi không nghĩ đến việc tham gia hoặc góp ý cho sự cải tổ của khối kỹ thuật, là mảng cực kỳ quan trọng của ngành hàng không? Xoay qua xoay lại, một ngày nào đó, tôi chợt giật mình NHẬN RA SỰ THẬT VỀ MÌNH. Khi đó, tôi chỉ là con bé ham làm việc, ham vui, được giao công việc gì thì LÀM HẾT MÌNH, và luôn suy nghĩ để cố tìm ra phương án tốt nhất trong khả năng có thể. Khi đó, tôi đang là trạm phó trạm hàng hóa, một công việc khá đa dạng, làm tôi cảm thấy luôn vui vẻ, hứng thú. Chỉ có một điều thỉnh thoảng khiến tôi bực bội: khi làm việc với đại diện các hãng hàng không nước ngoài, họ luôn có xu hướng coi thường Vietnam Airlines, coi thường người mình. Nhiều lúc tức không chịu nổi, nên hay xảy ra cái sự cãi nhau. Đó cũng chính là lý do khiến chúng tôi xin gặp chú Nhị ngay lần đầu chú vào Sài gòn sau khi nhận quyết định Tổng Cục Trưởng, để đề nghị về việc đàm phán, lấy lại sự công bằng cho các đường bay của VNA. Vậy thôi. Sự việc tạo xoay chuyển 180 độ với tôi, CHÍNH LÀ VIỆC chú Nhị ra quyết định bổ nhiệm tôi là phó phòng gì đó của ban thương mại Tổng Công ty, chịu trách nhiệm phụ trách 2 phòng vé tại Sài gòn. Quả thật, lúc đó tôi KHÔNG HỀ MUỐN NHẬN QUYẾT ĐỊNH, nhưng không đủ dũng cảm để từ chối. Thế rồi như trong một bài viết hồi đầu: vì không có sự rõ ràng trong việc giao nhiệm vụ và quyền hạn, nên tôi phản ứng – VÀ SỰ THẬT LÀ LÚC ĐÓ TÔI BỊ DỒN VÀO CHÂN TƯỜNG, phải tự bảo vệ mình. Bị đổ cho cái tội tầy đình là: chống phá cải tổ, thì tôi cãi, vì tôi không thấy mình có lỗi.Tất nhiên, đã “đâm lao thì phải theo lao”, cãi rất hăng rồi, thì phải chứng minh được là quan điểm của mình đúng, và đưa lại kết quả tốt, nên tôi phải rướn mình hết sức mà cải tổ. Lúc đó, chỉ tập trung vào hai phòng vé, cũng như mảng phục vụ mặt đất TSN, tôi không để ý việc gì khác.Cứ cố nghĩ mãi là LÝ DO GÌ khiến mình “nhúng mũi” vào việc cải tổ khối thương mại tận ngoài Hà nội, vì có ai “khiến” mình đâu? Nghĩ mãi vài ngày, thì chợt hiểu: À, đấy là lỗi của hai cậu em Nguyễn Hải và Lương Hoài Nam, cứ cố kéo tôi vào. Này nhé, nếu không có cái sự Nguyễn Hải và Trịnh Ngọc Thành vào gặp để hỏi ý kiến tôi về vụ chọn hệ thống đặt chỗ, thì tôi đâu biết gì mà tham gia. Rồi nếu không có vụ việc trục trặc về B – 737 trong cuộc họp bàn về triển khai tại TSN, không gặp Lương Hoài Nam, không dẫn cậu ta ra gặp chú Nhị, để rồi chú quyết định hủy hợp đồng và giao Nam chủ trì đàm phán lại, hạ được giá thuê, thì tôi biết gì mà có “ý kiến ý cò” vào những việc “tày đình” là thuê máy bay? Nếu hồi đó, hội học kỹ thuật cùng trường cũng tình cờ gặp và trao đổi, kêu ca về cái sự chậm chạp trong cải tổ của kỹ thuật so với thương mại dịch vụ, thì chắc tôi cũng sẽ “nhảy tưng tưng” để tìm hiểu kỹ về mảng đó, rồi sẽ cũng “ngứa mồm” báo cáo chú Nhị? Có lần, chú Nhị hỏi tôi về các anh Đoàn bay, vì nghĩ là tôi ở mặt đất thì biết rõ các anh. Thực sự, tôi chỉ quen các anh khi gặp ngoài máy bay, chứ đâu biết anh nào lái giỏi? Tôi có nghe mọi người kể anh Đức là người giỏi tiếng Anh nhất Đoàn bay lúc đó, và khá nghiêm túc. Hình như anh đang học dở đại học tổng hợp thì đi học lái (hóa ra anh học ĐH thủy lợi). Tôi nói với chú nguyên si như vậy. Chú bảo tôi hỏi thêm thông tin về anh Đức, thì tôi đi dò hỏi rồi báo cáo lại với chú. Một hôm, khi chú vào Sài gòn, chú bảo tôi gọi anh Đức lên cho chú gặp, thì tôi báo anh Đức. Mọi việc xảy ra khá là đơn giản. Nghĩ lại, CŨNG CHỈ LÀ SỰ TÌNH CỜ, theo kiểu việc gì cần tới, thì phải tới. Và cuộc đời tôi “xoay vần” đủ kiểu – nhiều khi là do “CÁI SỐ TỬ VI” nó thế, chứ bản thân tôi lúc đó đâu có tự tác động gì cho mình? Kể cả rất nhiều việc xảy ra sau này nữa. HIỆN TẠI, TÔI ĐANG GOM NHẶT THÔNG TIN CHO ĐỦ, VÀ CHÍNH XÁC – ĐỂ CÓ THỂ “KỂ LỂ” tiếp về các cải tổ của Đoàn bay và khối kỹ thuật, xen kẽ với việc tiếp tục viết về Đoàn Tiếp viên – là nơi đem đến cho tôi nhiều niềm vui, và cả niềm tự hào nữa. Tôi vẫn nói với các em rằng: hơn ba năm làm Đoàn trưởng ĐTV, là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm việc của tôi.