QUAN NIỆM “RỐI REN” VỀ SỰ THẬT VÀ DỐI TRÁ

Cuộc đời này – phải chăng là một hành trình dài của đầy rẫy những quan niệm trái chiều, mâu thuẫn, thậm chí đối nghịch nhau? Vậy mà chúng ta, dưới tác động của hoàn cảnh, báo chí, truyền hình, mạng xã hội – chính bản thân ta ấp ủ và nuôi dưỡng những quan điểm trái chiều một cách rất bản năng, nhưng không nhận ra, dù vô tình hay cố ý – mà trong phần lớn trường hợp, chỉ vì muốn được yên thân.VẬY THÌ, AI CÓ THẾ CHO ĐƯỢC NHỮNG ĐỊNH NGHĨA THẬT RÕ RÀNG VỀ ĐẠO ĐỨC, CỦA NHỮNG QUAN NIỆM SAU:1. Ta được dạy: sự dối trá là xấu, vì vậy – hãy bảo vệ sự thật. Nhưng mặt khác: chúng ta lại có quan điểm khá chính thống rằng: “không được vạch áo cho người xem lưng”, hoặc “một sự nhịn là chính sự lành”. Trong một gia đình được coi là nề nếp, dù bố mẹ có làm điều gì sai trái, con cái phải im lặng chấp nhận. Chứ nếu mà đi kể với người ngoài – thì sẽ bị coi là “con hư, đi nói xấu chính bố mẹ mình”.2. Nhân nói về khái niệm “NÓI XẤU”, cũng có nhiều quan niệm rất trái chiều cần phải bàn để hiểu cho rõ2.1. Quan điểm của cá nhân tôi: nói xấu – nghĩa là bịa chuyện, vu cáo cho người khác. Nhưng số đông trong chúng ta, thì hay nghĩ rằng: khi ai đó nói ra những sự thật “không mấy tốt đẹp” của người khác, thì bị coi là đang nói xấu? Ơ, sao lạ thế? Một người chồng lừa dối vợ, đi bồ bịch hoặc chơi bời với cái bọn “bán giới tính”, nếu người kia nói ra, thì hay bị “bịt mồm” bằng những lời khuyên kiểu như: “xấu chàng hổ ai”, hoặc “sao nỡ nói xấu chồng?”. Nếu người vợ lên án những kẻ bán thân cướp chồng người khác, thì lại bị chính gia đình, bạn bè “lên án ngược lại” rằng “có máu ghen tuông”. Tếu thật – cứ theo xu hướng đám đông này – thì ai còn dám nói ra những sự thật trần trụi xấu xa. Và kẻ nói dối hoặc làm điều xấu cũng chỉ mong sự việc xảy ra như vậy – để cái xấu của họ không bị lôi ra ánh sáng. 3. Ngày trước, chúng ta hay ca ngợi những người “thấy sự bất bình chẳng tha”. Nhưng nếu khi sự “bất bình” xảy ra tại chỗ, thì lời khuyên được coi là chân thành, thì thường là: “Ngoảnh mặt làm ngơ”. Hàng người đang xếp hàng, có kẻ chen ngang, tất cả im lặng, chẳng ai nói năng gì? Rồi ta tự an ủi bản thân rằng: “Ta có đạo đức nên không thèm chấp kẻ đó”. Nhưng sự thật là: “Ta hèn nhát không dám đối đầu với kẻ xấu”. Đã nhiều lần, khi xếp hàng, có ai đó chen ngang, tôi đều tiến đến yêu cầu họ phải tôn trọng người khác, không được chen ngang. Cái lạ là mọi người xung quanh nhìn tôi như “kẻ từ trên trời rơi xuống”. 4. Càng ngày, tôi càng thấy những xu hướng rất đáng ngại trong cuộc sống:4.1. Những hiện tượng xấu được tung hô một cách công khai4.2. Người thẳng thắn, dám công khai đối đầu với cái xấu thì bị chê bai, lên án, theo quan điểm “xấu che, tốt re” – nói cái xấu ra làm gì, mang tiếng cho công ty, cho xã hội? Ô hay, nếu cái xấu không bị vạch trần và lên án, thì bài học nhãn tiền là “cứ làm điều xấu, miễn nó có lợi cho mình, rồi dùng mọi cách bịt mồm người khác lại, thế là xong”. 5. Lời khuyên chung chung theo kiểu: “Sao cứ phải đào bới sự thật làm gì? Ai làm điều xấu, kẻ đó gánh chịu, còn bản thân ta hãy tha thứ, và quên đi mà sống”. Ô hay, kẻ làm điều xấu chưa hề biết lỗi, và không nhận lỗi – thì lý do gì mà chúng ta cứ khuyên là “hãy tha thứ?”. Sự tha thứ sớm, khi sự thật chưa được làm rõ trắng đen, kẻ lỗi lầm không nhận lỗi – là cách rất hiệu quả khuyến khích họ dối trá và tiếp tục làm điều xấu? 6. Vì vậy, nhiều khi tôi cảm thấy thật sự lo lắng cho cái xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, không chỉ ở Việt nam, mà trên toàn thế giới. Những quan niệm của xã hội hiện đại về “phép lịch sự”, cách thức cư xử…, ngày càng dạy cho con người sống giả dối và che đậy sự thật nhiều hơn. Người ta sống ảo, người ta che đậy mọi sự thật, người ta tung hô nhau vì những giá trị không có thật, hoặc chẳng có ích gì cho xã hội. DƯỜNG NHƯ LÀ THẾ???Đọc quyển sách: “Cách tự chăm sóc mình, nếu chẳng may bạn bị sinh ra trong các gia đình có bố mẹ què quặt về tâm lý”, tôi cảm thấy thật sự tự tin hơn với những quan điểm hay bị coi là TRÁI CHIỀU, của bản thân mình.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *