NHÂN TIỆN VIẾT VỀ “CẢI TỔ NGÀNH HÀNG KHÔNG”, ĐÀO SÂU THÊM VỀ “TIÊU CHUẨN CỦA MỘT NGƯỜI QUẢN LÝ ĐƯỢC COI LÀ THÀNH CÔNG

Để có thể tiếp tục loạt bài về “Cải Tổ Ngành Hàng Không” những năm 1990 – 1997, và rút ra được những kinh nghiệm cũng như bài học “xương máu”, sâu sắc – không phải cho thế hệ chúng tôi nữa, mà là cho thế hệ sau, tôi cần ngừng lại một hôm để ĐÀO SÂU thêm về một số khái niệm cơ bản.Bài viết này thể hiện quan điểm CÁ NHÂN của tôi, được định hình sau 40 năm sống, làm việc – làm nhân viên cũng có, mà làm sếp cũng nhiều năm. Chúng ta có thể trao đổi, tranh luận để nêu quan điểm cá nhân với thái độ tôn trọng chính kiến và kinh nghiệm sống của người khác, nhưng không nên “chì chiết”, phê phán với thái độ thiếu thiện chí, mọi người nhé. Đã từ lâu, tôi vẫn tự đặt ra câu hỏi cho bản thân mình, khi nghĩ về đề tài QUẢN LÝ. Các câu hỏi thường phát sinh khi nhắc đến hai từ quản lý, với tôi bao giờ cũng là các khái niệm về TIÊU CHUẨN:1. Thế nào là một người sếp TỐT? Để hiểu rõ bản chất của các sếp thường được nhân viên khen là “tốt”, thì lại phải định nghĩa rõ ràng về cái từ TỐT đã chứ nhỉ. 1.1. Từ “tốt”, trong khái niệm chung của nhiều người Việt nam, thường nói về một người có cá tính “hiền lành, dễ tính, tốt bụng” – và vì vậy, ít mất lòng ai, được nhiều người quý mến, ít người ghét – thì được coi là người tốt? Tôi đã từng nghe nhiều người khen ngợi là: “Sếp tôi hiền lắm, tốt lắm, rất thương và bảo bọc, bảo vệ, rất ít kỷ luật nhân viên”. 1.2. Hình như tôi thuộc chủng quái chiêu, nên quan điểm cá nhân của tôi, thì một người THẬT SỰ TỐT, phải là người thẳng thắn, trung thực, dám đối diện và lên án cái xấu, ủng hộ cái tốt. Vì vậy, có nên sử dụng từ “TỐT” theo quan niệm cũ của người Việt nam, để khen một người ở vị trí quản lý – thì có thể hiện được bản chất của cái nghề QUẢN LÝ không, là một điều quan trọng cần xác định.2. Chúng ta thường hay ghép hai từ TÀI và GIỎI thành một khái niệm chung, nhưng ý nghĩa thật sự của từng từ đó đã được hiểu thật rõ chưa nhỉ? 2.1. Tài: theo tôi hiểu: nghĩa là có khả năng ở một lĩnh vực nào đó. Tài nghĩa là khả năng cao hơn mức giỏi, hay sao nhỉ? Ví dụ ai đó được khen: “Thằng đó giỏi toán, hoặc thằng đó có tài về môn toán” – thì trong hai thằng, ai giỏi hơn?2.2. Cái từ “tài”, hình như hay được dùng để chỉ ai đó “giỏi vượt bậc, rất giỏi” một lĩnh vực chuyên môn sâu nào đó, phải không nhỉ? 3. Nếu áp các khái niệm trên vào các ngành nghề, thì sẽ phải phân loại những con người theo KHẢ NĂNG VỀ CHUYÊN MÔN, ví dụ:3.1. Những người giỏi (hoặc có tài) về một lĩnh vực chuyên môn sâu nào đó: toán, lý, hóa, kỹ thuật, công nghệ IT, tập hợo và phân tích số má, tài tiếp thị (marketing), tài bán – như một cá nhân độc lập. Hồi xưa, trong khai niệm của thế hệ chúng tôi, ai giỏi toán là được “tôn thờ” kinh khủng luôn. Bố tôi từng nói đi nói lại với tôi là: “Hễ đã giỏi toán, thì học gì, làm gì cũng giỏi hết”. Thế mà đến khi vào đời, tôi thấy câu nói của cụ không còn đúng nữa hay sao ấy?3.2. Những người có khả năng quản lý từng lĩnh vực: quản lý việc vận hành sản xuất hoặc vận hành các hoạt động phía sau (tiếng Anh gọi là operations)3.3. Những người có khả năng quản lý những nơi có nhiều lĩnh vực hoạt động cần phải phối hợp với nhau: vạch định hướng, ra quyết định kinh doanh, tổ chức và điều hành sản xuất và các lĩnh vực cần quy trình (operations), rồi tổ chức tiếp thị, bán sản phẩm…4. Các câu hỏi đặt ra ở đây là:4.1. Nếu một người có tài về một lĩnh vực chuyên môn sâu nào đó, thì khi lên làm quản lý – có khả năng trở thành người quản lý THÀNH CÔNG có cao không? 4.2. Những tư chất và khả năng (cái tài) TỐI QUAN TRỌNG làm nên sự thành công của một người quản lý là gì?4.3. Phong cách quản lý “quá dân chủ” liệu có thật sự tốt?4.4. Trong những tình huống nào thì cách quản lý “kiên quyết và áp đặt đúng lúc” phát huy tác dụng?…Mọi người có thể bật cười rồi bảo: “Cái bà này dở hơi, đang kể chuyện vui thế, tự nhiên dở quẻ thắc mắc những cái gì đâu đâu ấy”. LÝ DO LÀ VÌ: khi thao thao về cái sự cải tổ của mảng phục vụ mặt đất ở sân bay TSN, rồi sau đó là toàn bộ mảng thương mại và dịch vụ, với tôi nó quá dễ dàng – viết chừng tối đa một tiếng là xong một bài – vì mọi thứ nó cứ tuôn ra một cách bản năng, viết cứ như “lên đồng”.Khi bắt đầu tìm hiểu để viết về những lĩnh vực mà hồi đó tôi KHÔNG COI LÀ VIỆC CỦA MÌNH, nên không hề để ý đến, là hai mảng “Khai Thác Bay – Đoàn bay” và “Khối Kỹ Thuật”, thì tôi bắt đầu thấy “cà lăm”. Vài chục cuộc điện thoại trao đổi với các anh, bạn bè và lớp đàn em thuộc hai khối đó, tôi vẫn không thấy mọi sự đã thật rõ ràng để có thể tự tin là mình hiểu rõ. Thế rồi sáng nay, khi tỉnh dậy, tôi chợt nhận ra một điều: những gì thời gian qua anh em bạn bè từ hai mảng đó trao đổi, gửi thông tin cho tôi, thì hầu hết là kể lại rất trung thực những việc đã làm, phê phán chung chung những gì theo quan điểm mọi người là chưa làm được, nhưng chưa ai mô tả cụ thể cho tôi một cách tổng thể MÔ HÌNH MẪU về tổ chức hai ngạch đó của một hãng HK quốc tế hiện đại, cùng với các yêu cầu chuyên môn cụ thể , các loại hình đào tạo và bằng cấp chi tiết, tiêu chuẩn đầu vào đầu ra của từng bậc đào tạo – từ thấp nhất đến cao nhất. Và cũng vì vậy, ngày hôm nay lại là một loạt các cuộc điện đàm, tin nhắn trao đổi để vừa nhờ, vừa “ép uổng” mọi người cung cấp thông tin đúng với những gì tôi đang cần, để có thể viết tiếp một cách thật tự tin.VÀ VÌ VẬY: Anh em bạn bè khối kỹ thuật và khối bay ơi, chịu khó “ôn nghèo kể khổ” để gửi tiếp thông tin cho tôi với nhé. Rất cám ơn mọi người.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *