AMAZON

11/3/2014

Lang thang trên dòng sông Amazon, mấy ngày qua tôi gần như không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài: không internet, không TV. Trở về thành phố, chợt biết về tai nạn chuyến bay MH lấy đi 239 mạng người. Lại đọc tâm sự của cô bé, con của 1 người trong phi hành đoàn, tôi không cầm được nước mắt. Thương cho những người phải ra đi đột ngột, mà không kịp biết vì sao, không kịp chuẩn bị hoặc làm nốt những việc đáng ra đã phải làm trong đời. Người ra đi, dù sao cũng đã ra đi: âu cũng là số phận. Cầu mong cho họ sớm siêu thoát, và được bình yên trong thế giới bên kia. Mong cho họ không còn phải lo âu, khắc khoải, không còn đau khổ nữa Số phận thật oái ăm, chúng ta cầu nguyện cho những người ra đi, nhưng với tôi, tôi còn thấy xót thương hơn cho người thân của họ đang phải trả qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống: những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, chợt mồ côi bố hoặc mẹ. Ai sẽ lau nước mắt cho các em, khi mẹ các em cũng đang vật vã ngày đêm vì mất chồng, khi bố các em đang ngơ ngác, cố nuốt nước mắt vào trong vì mất vợ. Tôi thương cho những ông bố bà mẹ phải chịu cảnh: “Lá già còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống…”, phải khóc mỏi mắt vì từ nay không được sum vầy đầy đủ với con trong những dịp lễ tết. Cuộc sống quý giá biết bao, nhưng đâu có ai chống lại được số phận. Tôi căm hờn những kẻ đang tâm lấy đi số phân cuộc đời của người khác, chỉ vì khác biệt về suy nghĩ, tôn giáo hoặc bất cứ lý do nào khác. Cũng đáng trách biết bao, nếu ai đó sơ sót không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, để 239 người phải ra đi oan ức, và hàng ngàn gia đình chịu cảnh tang tóc. Dù sao, họ đã ra đi. Việc còn lại là chúng ta phái làm gì để hạn chế tối đa, để những việc tương tự không lặp lại. Tai nạn dù sao cũng là tai nạn, và chỉ có thể cố gắng hạn chê nó, chứ không ai loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống này được.Và các em tiếp viên, chị chia sẻ những lo lắng, suy nghĩ, dằn vặt của bọn em, đó là tâm lý chung, ai cũng là con người, và tổ bay hay tiếp viên không là ngoại lệ. Họ cũng có một gia đình, có con cái phải nuôi dạy, có vợ hoặc chồng ngày đêm dõi theo những chuyến bay, có bố mẹ già cần chăm sóc. Họ may mắn hơn người khác là có cơ hội được đi đến những miền đất lạ, nhưng đổi lại, họ có một cuộc sống rất không bình thường, không ổn định về mọi mặt: giờ giấc, thời gian giành cho gia đình, và mọi thứ thuộc về riêng tư. Họ phải “làm dâu” không chỉ trăm họ, mà phải chăm lo cho hàng ngàn vạn hành khách, để chúng ta được đi lại, được gặp gỡ bạn bè, người thân, được khám phá những miền đất xa lạ. Nhiều hành khách quá đòi hỏi phải nhìn thấy nụ cườ ithường trực của tiếp viên, mà quên đi rằng: đảm bảo an toàn cho hành khách là nhiệm vụ quan trọng nhất của cả tổ lái và tiếp viên. Nếu mỗi người chúng ta hãy thông cảm hơn với nghề này, việc thực hiện nhiệm vụ của họ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tai nạn là tai nạn, dù vì lý do gì, ai cũng buộc phải đối mặt với nó, đó mới là cuộc sống. Đúng, hàng không là phương tiện đi lại an toàn nhất, nhưng mỗi tai nạn đều được lan truyền một cách chính thức và không chính thức trên toàn thế giới, nên nó trở nên đáng sợ. Một tai nạn ô tô, có thể làm chết vài chục người, sẽ bị quên lãng rất nhanh. Vậy chúng ta đừng rên rỉ, than thở nữa. Hãy trân trọng cuộc sống này hơn, hãy sống và đối xử với nhau như ngày nào cũng là ngày cuối cùng được sống. Hãy sống có trách nhiệm, để nếu có gì không may cho chúng ta, những người yêu thương của chúng ta bớt đau khổ. Hãy giành nhiều thời gian hơn cho con cái, vợ, chống hoặ bố mẹ mỗi khi có thể. Và nếu chẳng may rủi ro xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta, hãy hành xử và đón nhận nó một cách có tư cách, đầy lòng tự trọng.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *