AMAZON

4 tháng 3, 2014  

Carnaval vui thật, và cũng lắm chuyện buồn cười. Mọi người biết không? Cô nào ưng ý ai, cứ việc mà ôm lấy chàng hôn thoải mái. Có một hội gọi là “Những đứa con của Gandhi” – toàn các anh cao to đẹp trai, được các em nhảy ra hôn rất nhiều. Có 1 anh cao phải đến hơn 2 m, bế 1 cô bé tí (chắc còn thấp nhỏ hơn mình), hôn nhau say sưa đến 5-10 phút, trong lúc tất cả đám đông vỗ tay cổ vũ. Mình thì cực kỳ ngạc nhiên: vì sao họ hôn lâu thế mà không ngạt thở??? Mải ngắm họ hôn nhau, lúc nhớ ra để bảo anh bồ chụp ảnh, thì chàng ta đặt nàng xuống rồi, thôi mình vỗ tay cổ vũ cùng mọi người vậy. Nhớ lại lúc đi trên đường, chàng của mình bảo là có bọn bán bao cao su, mình cứ tưởng chàng nói đùa. Các chàng trai thì thiệt thòi hơn một chút: muốn hôn em nào phải hỏi trước, và thử thái độ rồi mới dấn vào. Mình cũng chứng kiến một em đứng trước mặt, từ chối mấy chàng định xấn vào hôn.

Không được đi dự Carnaval nữa, thì thăm làng “Bảo tồn rùa biển” vậy. Chết thật: trứng rùa lại nở ra rùa rồi. Ở đâu cũng thấy một không khí sôi động, tràn trề sức sống, vui thật là vui. Tiếp xúc với những con người ở đây, sao thấy cuộc đời đơn giản nhưng tràn đầy nhựa sống. Phải rồi, cuộc sống của tổ tiên ta xa xưa vốn thật đơn giản, chính chúng ta làm cho nó trở nên phức tạp đấy chứ. Tôi yêu biết bao con người của cái xứ sôi động này: họ chân thành, sôi nổi, tốt bụng. Tôi tiếp xúc với những con người hàng ngày kiếm sống bằng các nghề đơn giản: vệ sinh, bảo vệ, bán hàng rong hoặc thức ăn tại các kios. Họ niềm nở nhưng đàng hoàng, và rất rất tự trọng. Không đâu có cảnh co kéo du khách, hoặc năn nỉ ỉ ôi để khách phải mua hàng. Tuyệt nhiên không thấy ăn xin, cũng chẳng có trẻ em chạy theo “xin lòng thương hại” của du khách. Lại thấy thót lòng khi nghĩ đến các điểm du lịch của Viet nam. Bao giờ cho người Việt nam tự trọng hơn?? Chợt nghĩ:” Chỉ có người hèn chứ không có nghề nào hèn cả”. Và nếu người đã không hèn, thì đất nước cất cánh nhanh hơn. Nhiều người nói Brazil không an toàn – nhưng tôi chưa chứng kiến bất cứ sự lộn xộn nào trong suốt chuyến đi. Điều duy nhất hơi phiền phức: rào cản ngôn ngữ. Nhưng chính nó cũng tạo nên những niềm vui không thể tìm được ớ các xứ nói tiếng Anh.

Không biết có phải vì chiều nay đi xem làng “bảo tồn rùa biển” không, mà internet chậm còn hơn rùa. Ngồi hơn 1 tiếng rồi mà không download nổi mấy cái ảnh từ One Drive lên FB, chán quá. Thôi nói chuyện Carnaval trước, rồi post tiếp ảnh sau vậy. Đêm hôm qua, có 22 ban nhạc của Brazil tham gia lễ hội. Các ban nhạc biểu diễn di động trên những cái xe to chạy trên phố, hai bên đường và trên khán đài dân chúng hò reo, nhảy múa và hát theo nhạc. Cái làm tôi ngạc nhiên là sự cuồng nhiệt, hết mình, nhưng lại rất trật tự của dân chúng. Cả đàn ông, đàn bà, con trai, con gái uống bia từ 6 giờ tối đến 3-4 giờ đêm: người say cũng nhiều, nhưng không hề có ai quậy phá hoặc gây sự với ai. Ai say sẽ được nhân viên y tế dìu riêng ra một chỗ. Niềm vui tỏa sáng trên từng khuôn mặt, nụ cười, giọng nói – và họ nhảy một cách say sưa, nhảy như chưa bao giờ được nhảy, như là đối với mỗi người, nhảy là điều quan trọng nhất. Vào dịp Carnaval này, vài triệu người hòa thành một khối, với cùng một niềm vui: mới biết sức mạnh của âm nhạc và những lời ca tiếng hát. Hòa trong dòng người cuồn cuộn, tôi cũng cảm thấy một niềm vui dâng tràn, và chỉ muốn nhảy, muốn hát. Thật tiếc là tôi không biết một bài hát nào bằng tiếng Brazil, nhưng cũng chẳng sao, chỉ nhảy và nhìn tất cả mọi người hát, cũng đã thấy hào hứng lắm rồi. Thật sự thấy cảm phục khả năng tổ chức của họ, và chạnh lòng khi nghĩ đến các lễ hội được tổ chức ở Vietnam.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *