CHÚ PHAN TƯƠNG – người có công đầu trong việc vận hành và đổi mới hoạt động của sân Tân Sơn Nhất, cũng như các sân bay trực thuộc cụm cảng hàng không phía Nam, ngay sau giải phóng, năm 1975. Tôi không biết gì về giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1981. Tốt nghiệp trường hàng không Kiev vào tháng 6/1981, tôi trở về Việt nam. Bộ Giáo dục đào tạo chuyển hồ sơ chúng tôi về Tổng Cục Hàng không dân dụng Việt nam – Tổng Cục Trưởng lúc đó là chú Trần Mạnh. Lứa học kinh tế tốt nghiệp năm đó có 4 đứa: Phạm Ngọc Minh, Nguyễn Minh Hà, Nguyễn Minh Tuấn (mà chúng tôi hay gọi là Tuấn “din”), và tôi. Tôi và ô. Minh lúc đó là một cặp, yêu nhau từ khi cùng học. Thời ấy, ở ngoài Bắc, hễ nghe đến Sài gòn, ai cũng sợ – mà chẳng hiểu tại sao lại sợ. Cũng bởi vậy, cả 4 đứa đếu muốn được phân về Cục Vận chuyển, hoặc sân bay Nội bài (cho gần nhà). Thật sự, hồi đó, việc phân công rất công bằng: ai có hoàn cảnh gia đình đáng được ưu tiên hơn, thì được phân ở lại ngoài Bắc: ô. Minh – vì là con một, và Minh Hà – con gia đình quân đội, bố đã đi B, nên được phân về sân bay Nội bài. Tôi và Tuấn “din”, nhà chẳng có hoàn cảnh gì, bố mẹ khỏe mạnh, đủ anh chị em, nên nhận quyết định vào Nam, về sân bay Tân sơn nhất. Đến lúc đó, tôi và ô. Minh mới quyết định báo cáo tổ chức là “chúng tôi yêu nhau”, xin cho tôi được ở lại Nội bài, nhưng đã muộn, vì quyết định được công bố và gửi về cả hai sân bay rồi. Chú Trưởng ban TCCB khuyên rất chân tình rằng: “Bọn cháu lên Nội bài để nói chuyện, đổi cho vc hai anh chị quê ở miền Nam, tốt nghiệp cùng trường trước các cháu một năm, đang làm việc tại Nội bài, viết đơn cả 2 bên ký, chú sẽ giải quyết ngay”. Mọi việc êm xuôi cho đến giờ chót, thì anh chị đổi ý không muốn đổi nữa.Tôi: 23 tuổi đầu, lúc đó lơ ngơ, nhưng liều lĩnh với kiểu: “Đời là cái đinh”, quyết định xách va ly vào Nam một mình. Mẹ tôi vật vã khóc lóc cả ngày lẫn đêm, áp huyết lên vù vù. Bố tôi đã xin được cho tôi một chân phiên dịch tiếng Nga tại Bộ Công an. Tôi cương quyết lắc đầu. Vậy là lên máy bay thẳng tiến vào Sài gòn.Vào đến sân bay TSN, cầm quyết định lên phòng tổ chức cán bộ, trước tiên là nhận chỗ ở tập thể. Ngay phút đầu tiên, tôi đã mê luôn cái quang cảnh và không khí chộn rộn tất bật của sân bay Tân Sơn nhất. Đã từng lên sân bay Nội bài nhiều lần từ khi tốt nghiệp; nó buồn tê tái, với rất nhiều hố bom chưa được lấp, với quãng dăm ba chuyến bay một tuần – thì với tôi – con bé ham vui – ngay lập tức sân bay TSN quả là THIÊN ĐƯỜNG. Vừa về nhận xong phòng ở, phòng TCCB cử người đến báo với tôi: Giám đốc là chú Phan Tương muốn gặp tôi lúc 7 giờ tối tại nhà chú, vì lúc đó đã cuối giờ làm việc, và GĐ vẫn đang họp. Tôi nghe mà hồi hộp kinh khủng. Lần đầu tiên trong đời bắt đầu đi làm, lại được Giám đốc trực tiếp gọi gặp – quả là điều tôi không thể ngờ. Nghe các anh chị và bọn bạn ở các ngành kể, thì loại chúng tôi về hay bị coi là “cái tôm cái tép”, chẳng sếp nào quan tâm đâu, đừng tưởng bở rằng cái bằng đại học ở Nga là oai lắmThấp thỏm không nuốt nổi bữa tối, tôi đi ra đi vào, chờ đến giờ. Thập thò trước cánh cổng nhà chú Tương, thì có cậu bảo vệ ra đón. Nhà cô chú vừa ăn cơm xong, cô còn hỏi tôi đã ăn cơm chưa, nếu chưa ăn thì sẽ bảo cần vụ dọn cho tôi ăn. Dĩ nhiên là tôi phải nói dối là “Cháu ăn rồi ạ”. Vậy là cô lấy nước cho tôi uống, rồi đi vào nhà trong.Biết tôi “vừa run vừa sợ”, chú Tương chủ động hỏi thăm quê quán. Tôi kể: cháu quê Hà tĩnh, nhưng 2 tuổi ra Hà nội rồi, nên không biết gì về quê. Vậy là chú nói luôn: chú cháu mình đồng hương đấy. Chú còn hỏi tôi là có biết Hà tĩnh có biển hay không? Tôi ớ hết cả người, vì vốn dốt nên không quan tâm môn địa lý, đến bản đồ Việt nam tôi còn không vẽ nổi, nữa là biết tỉnh nào có biển (kể ra cũng dốt đến tận cùng luôn). Rồi chú hỏi tôi học ngành gì, tôi trả lời tôi học kinh tế hàng không. Chú hỏi tiếp là học cụ thể những cái gì: tôi bắt đầu kể lể các môn học. Nghe một lúc, chú cười rồi nói: “Chú sẽ phân cháu về làm trợ lý kế hoạch, phụ trách mảng hàng hóa của phòng vận chuyển. Cháu phải hiểu rằng có thể những gì cháu học không giống với thực tế công việc hiện nay. Chú biết rằng các cháu được đào tạo bài bản, cháu là kỹ sư kinh tế hàng không đầu tiên về làm việc tại sân bay TSN. Chú mong cháu sẽ áp dụng kiến thức đã học được để cải tiến những điều chưa hợp lý. Nếu cần báo cáo điều gì, cháu cứ lên thẳng phòng làm việc của chú. Chú mà bận họp, thì buổi tối cứ đến nhà như hôm nay”. Ra khỏi nhà chú, tôi ở trong tâm trạng lâng lâng, y như đang bay bổng, không thể ngờ là có một chú Đại tá quân đội, Giám đốc sân bay lớn nhất nước và nhiều sân bay nhỏ, lại dành thời gian nói chuyện và động viên tôi chân tình đến vậy. Và vậy là, ngay sáng hôm sau tôi lên nhận quyết định về làm trợ lý kế hoạch phòng Vận chuyển.Cho đến giờ phút này, sau đúng 40 năm, tôi vẫn còn nhớ như in cuộc nói chuyện với chú Phan Tương – NGƯỜI SẾP LỚN ĐẦU TIÊN TRONG CUỘC ĐỜI LÀM VIỆC CỦA TÔI. Càng nghĩ, càng thấy số mình thật may mắn, đúng là “Trong cái rủi có cái may”. Nếu anh chị năm trên đồng ý đổi để tôi ở lại sân bay Nội bài – thì chắc chắn tôi đã mất rất nhiều cơ hội để tiếp xúc, học hỏi, tò mò với cái mới, kể cả không phải trong lĩnh vực hàng không – tạo nên tôi của hôm nay. Giờ thì tôi hiểu, tại sao chú gọi tôi đến nhà mà không phải là lên phòng làm việc: chú rất hiểu tâm lý của lớp trẻ. Nếu lên phòng làm việc, chắc tôi “run như cầy sấy”, câu chuyện sẽ ít tác dụng đi rất nhiều. Chú muốn động viên chúng tôi bằng vị trí của người Sếp, nhưng bằng cả tình thân chú cháu, để tôi đỡ bị sức ép nặng về tâm lý – khi nhận công việc đầu tiên trong đời.Trong bài sau, tôi sẽ kể cụ thể hơn về cách chú Tương điều hành công việc (theo nhận xét của tôi), cũng như những điều tôi học được ở chú: cách suy nghĩ “ngược chiều đám đông”, khi đã nghĩ ra cái mới là quyết và làm luôn, dám đối đầu khi cần thiết, không hề e ngại. Cũng vì cá tính đó, chú gặp biết bao biến cố và tai họa trong mấy năm cuối, trước khi nghỉ hưu.